Cuộc đời và sự nghiệp[1][2] Trọng Bằng

Xuất xứ

Trọng Bằng sinh ra tại Cao Bằng, tuy nhiên quê hương ông lại là Gia Lâm, Hà Nội. Xuất thân của người nhạc sĩ này là một gia đình mà người cha là một công chức ngành xây dựng biết chơi thành thạo đàn bầuđàn tranh.

Kháng chiến chống Pháp

Nhạc sĩ Trọng Bằng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm còn là học sinh của các trường trung học thời kháng chiến thuộc địa phận của Liên khu IV cũ. Trong 9 năm kháng chiến ấy của dân tộc, ông vừa là người chơi đàn guitar, vừa dàn dựng và điều khiển các ban nhạc và đồng ca của học sinh. Ấy là chưa kể ông cũng là người sáng tác một số bài hát được phổ biến khá nhiều ở địa phương. Cuối năm 1953, sau khi tốt nghiệp Đại học Sự phạm Văn khoa khóa thứ nhất, người nghệ sĩ đa tài được Chi hội Văn nghệ Liên khu IV điều động đi Mặt trân Trung Lào tham gia đội văn nghệ phục vụ dân công cầu đường. Sau đó, ông lại ra Việt Bắc, gia nhập Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương với tư cách là đội trưởng đội ca nhạc. Ở đây, Trọng Bằng làm công tác sáng tác, chỉ huy, dàn dựng.

Kháng chiến chống Mỹ

Năm 1956, nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng được cử đi du học tại Liên Xô cũ. Môn học mà ông học ở đây đó là chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng. Trọng Bằng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với tấm bằng đỏ. Tiếp theo, ông trở về đất nước, trở thành giảng viên của Trường Âm nhạc Việt Nam và nhạc trưởng của nhiều dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội. Năm 1969, một lần nữa nhạc sĩ Hà Nội được cử đi Liên Xô để hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở chính Nhạc viện Tchaikovsky. Trong các năm 1972-1978, ông chính thức trở thành người nhạc trưởng của Nhà hát Giao hưởng-Hợp xướng-Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Cũng tại đây, ông trở thành phó giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật vào năm 1975.

Sau khi đất nước thống nhất

Trong các năm 1978-1984, Trọng Bằng là phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đồng thời là giám đốc của một dàn nhạc giao hưởng do chính ông thành lập với sự ủy nhiệm của Bô Văn hóa. Tiếp theo, từ năm 1984 đến năm 1996, ông trở thành giám đốc của Nhạc viện Hà Nội. Với sự cố gắng của mình, ông đưa nhạc viện trở thành một trong những trung tâm đào tạo về âm nhạc có uy tín ở trong và ngoài nước. Năm 1995, nhạc sĩ trở thành tổng thư ký của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V và khóa VI.

Năm 2017, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật[3][4] cho các tác phẩm: Giao hưởng thơ "Người về đem tới niềm vui", Hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng "Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ", khởi nhạc phong tác "Chào thiên niên kỷ mới", nhạc phim "Cù Chính Lan - người chiến sĩ trẻ" và các ca khúc: "Bão nổi lên rồi", "Nhịp máy khoan", "Chúng ta là chiến sĩ công an", "Vang mãi bản tình ca".